CẢNH GIÁC TỘI PHẠM LỪA ĐẢO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Trong thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương nói chung gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống nhân dân. Trong đó, nói lên là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt bằng việc sử dụng công nghệ thông tin, viễn thông làm công cụ, phương tiện phạm tội.
Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo), mạo danh người thân, mượn tiền giải quyết việc gấp; giả danh cơ quan thực thi pháp luật, cán bộ cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng thông báo trúng thưởng, gửi tin nhắn rác, hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G, đổi điện thoại di động từ 2G lên 3G, 4G; trao đổi, mua bán hàng hóa qua mạng; kêu gọi đầu tư kinh doanh đa cấp, tiền ảo, thiết lập các trang mạng ngân hàng giả mạo để lấy dữ liệu thông tin khách hàng; sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, giả mạo chứng từ để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền; lợi dụng phòng, chống dịch bệnh, thiên tai... Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, điều tra xử lý của cơ quan chức năng.
Các thủ đoạn thường gặp là:
- Đối tượng chiếm quyền điều khiển các tài khoản mạng xã hội như zalo, facebook... bắt chước thói quen nhắn tin, xưng hô mạo danh người thân của bị hại nhờ thanh toán chuyển khoản hoặc gửi tiền giải quyết việc gấp vào các tài khoản ngân hàng trung gian.
- Đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, sau đó kết bạn zalo gửi lệnh bắt bị hại đồng thời yêu cầu bị hại kê khai và chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra; sau 1 ngày nếu không có liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền cho bị hại còn nếu bị hại không đồng ý thì tất cả các tài khoản ngân hàng của bị hại sẽ bị phong tỏa. Khi nhận được tiền trong tài khoản bọn chúng nhanh chóng rút tiền, xóa hết các dấu vết.
- Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thông báo tài khoản của khách hàng bị lỗi xâm nhập, lỗi bảo mật hoặc khách hàng nhận được một khoản tiền nhưng lỗi giao dịch.... sau đó yêu cầu bị hại cung cấp tài khoản, mật khẩu đăng nhập, mã OTP để sữa lỗi hệ thống và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
- Đối tượng gửi tin nhắn thông báo trúng thưởng theo chương trình của Ngân hàng, của các công ty hoặc giao dịch mua bán, tặng quà qua mạng hoặc thực hiện cuộc gọi giả mạo cán bộ ngân hàng và yêu cầu khách hàng đăng nhập theo đường link giả mạo tương tự giao diện dịch vụ ngân hàng điện tử của ngân hàng. Sau đó yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật như tên, mật khẩu đăng nhập, mã OTP, thông tin thẻ, để chiếm đoạt tiền
- Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng, gọi điện thoại giới thiệu đang có chương trình hỗ trợ chuyển đổi sim từ 3G lên 4G, đổi điện thoại di động từ 2G lên 3G, 4G, hoặc đổi sim để nhận ưu đãi và hối thúc nạn nhân phải khẩn trương thực hiện nếu không sẽ không thể sử dụng. Đối tượng sẽ hướng dẫn chủ sim số điện thoại soạn tin theo cú pháp. Sau khi thực hiện thao tác soạn và gửi tin nhắn, ngay lập tức sim số điện thoại đã bị đánh cắp. Sau khi chiếm quyền kiểm soát sim của người dùng, kẻ gian dùng chính sim đó lấy mã OTP từ ngân hàng gửi về sử dụng các dịch vụ tín dụng, vay tiền online dưới danh nghĩa nạn nhân.
- Đối tượng mạo danh CSGT gọi điện gửi thông báo phạt nguội giao thông: Các đối tượng lợi dụng việc phạt nguội là người vi phạm giao thông không bị xử lý ngay, chúng tạo dựng thông tin giả mạo gửi tới các chủ phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chủ phương tiện đóng tiền phạt bằng cách chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, UBND huyện Đồng Xuân đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân:
- Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến từ những người lạ mặt, người gọi tự xưng là cán bộ chức năng các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân, lai lịch của người đó.
- Người dân khi mua hàng qua mạng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính của người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Không nên chuyển tiền cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ của người bán.
- Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội. Thường xuyên thay đổi và đảm bảo độ mạnh của mật khẩu. Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
- Thận trọng khi nhận các thư điện tử, kiểm tra kỹ địa chỉ thư điện tử nhận được xem có đúng là thư của người mình quen biết gửi đến hay không, không nhấp vào liên kết hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định. Chỉ mở thư điện tử hoặc tải xuống ứng dụng, phần mềm đáng tin cậy.
- Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho đối tượng không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Đồng thời có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt. Tuyệt đối cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn facebook, zalo..yêu cầu chuyển tiền. Cảnh giác với các tất cả các cuộc gọi, tin nhắn thông báo trúng thưởng hoặc có liên quan đến giao dịch ngân hàng.
- Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp giải quyết.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ BMNN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ BMNN và tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN. UBND huyện ban hành Công văn số 2853/UBND-CA ngày 19/9/2024, qua đó chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tập trung chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm một số nội dung như sau:
- Tích cực tuyên tuyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN, như: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Nghị định số 26/2020/NĐ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Thông tư số 24/2020/TT-BCA ngày 10/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc ban hành biểu mẫu sử dụng trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước...bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng trong công tác bảo vệ BMNN; chủ động tiến hành công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN thuộc phạm vi quản lý.
- Nghiêm túc thực hiện đúng quy định về xác định BMNN và độ mật của BMNN, cụ thể: Việc xác định BMNN và độ mật của BMNN phải căn cứ vào các danh mục BMNN do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Không để xảy ra vi phạm quy định của pháp luật trong việc xác định BMNN và độ mật của BMNN, như: Không xác định độ mật cho văn bản có nội dung BMNN hoặc xác định độ mật cho văn bản không chứa nội dung BMNN.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác bảo vệ BMNN nhất là khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu lộ, mất, vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN; đồng thời chủ động, tích cực, phối hợp với lực lượng Công an trong việc điều tra, khắc phục hậu quả, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các vụ lộ, mất, vi phạm về bảo vệ BMNN.
- Cán bộ, công chức, viên chức khi soạn thảo tài liệu mật phải thực hiện trên máy tính chuyên dùng không kết nối mạng internet. Tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng máy tính đã hoặc đang nối mạng internet, điện thoại thông minh, máy tính bảng để soạn thảo, lưu trữ, trao đổi, đăng tải thông tin có nội dung BMNN; trường hợp sử dụng các thiết bị ngoại vi (USB, ổ cứng di động...) thì phải đăng kí, quản lý tại đơn vị, tuyệt đối nghiêm cấm sử dụng USB dùng chung giữa máy tính soạn thảo, lưu giữ tài liệu mật và máy tính nối mạng internet. Chú trọng công tác quản lý, điều hành Trang, Cổng thông tin điện tử thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm chặt chẽ, phòng, chống lộ, mất BMNN.
- UBND huyện sẽ thành lập các Đoàn công tác để tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ BMNN tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện, kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật theo quy định.